Chuyện phỏng vấn với một công ty ở Mỹ (phần 1)

,

Một vài năm trước, lúc đó mình còn làm ở Việt Nam với một công việc tương đối ổn định. Mình làm khoảng 7-8 tiếng một ngày, thời gian còn lại thì hay vọc mấy công nghệ mới và đi chơi rong ruổi đó đây.

Mọi thứ đều suôn sẻ, ngoại trừ việc mình không còn thấy thử thách ở công việc hiện tại nữa.

Lúc mới vào công ty, mình học được rất nhiều thứ. Mình gặp được nhiều người thú vị ở công ty. Họ dạy cho mình biết bao nhiêu kỹ thuật lập trình phần mềm hiện đại. Mình cảm thấy thật may mắn và rất biết ơn.

Nhưng sau vài năm, mình thấy như bị chững lại. Mình không còn phát triển về mặt kỹ thuật nữa. Mình cảm thấy bế tắc.

Sau đó mình bắt đầu ngồi nhìn nhận lại bản thân xem thử mình muốn làm gì tiếp theo trên bước đường sự nghiệp. Mình muốn có nhiều thử thách và tầm ảnh hưởng hơn trong công việc.

Rồi mình bắt đầu nhìn vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Đó là lúc mình nhìn thấy được cả một trời cơ hội.

Thử thách tìm việc ở nước ngoài

Mình nhận ra rằng có rất nhiều công ty lớn đang tuyển ứng viên nước ngoài và họ tuyển đều đều hằng năm, đặc biệt là các công ty của Mỹ. Mình nghiên cứu thêm và biết rằng để có đủ điều kiện đi làm trên đất Mỹ thì ứng viên phải đối mặt với một vòng “xổ số” visa gọi là H1B, vòng này thì hoàn toàn dựa trên may mắn (bởi vậy mới gọi là xổ số). Điều này có nghĩa là thậm chí sau khi ứng viên đã vượt qua được các vòng phỏng vấn gay go khốc liệt và nhận được offer (hợp đồng lao động) của một công ty Mỹ, họ vẫn có rủi ro sẽ trượt ở vòng visa bởi vì xác suất đậu chỉ có 20-30%.

Đọc đến đây thì mình khá thất vọng. Tuy nhiên, đó có vẻ là một thử thách thú vị nên mình nghĩ nếu thử một lần cũng không mất gì.

Mình bắt đầu nộp đơn vào các công ty lớn ở Mỹ. Rồi mình lên LinkedIn nộp đơn vào đa số các tin tuyển dụng từ các công ty của Mỹ. Mỗi ngày mình nộp từ 10-20 công ty.

Không ai hồi âm cả.

Sau 2-3 tuần, mình vẫn không thấy động tĩnh gì từ các công ty. “Có phải do CV của mình chưa tốt? Hay là họ không muốn tuyển ứng viên nước ngoài? Hay là do cách mình nộp đơn chưa hợp lý?”. Mình có đủ thứ thắc mắc trong đầu.

Một tháng sau, gần ngay lúc mình tính bỏ cuộc thì mình nhận được một email từ một chị. Email có tên miền là fb.com. Và tiêu đề ghi “Greetings from Facebook iOS Mobile Engineering!”. (tạm dịch: Lời chào từ team kỹ sư iOS ở Facebook)

“Trời đất. Mình có đang mơ không? Thật không thể tin nổi”. Đó là email từ một chị nhân sự ở công ty Facebook. Mình sốc toàn tập.

Trong lúc đang cố bình tĩnh lại, mình trả lời email của chị và hỏi thêm về một số thông tin chi tiết. Chị đó muốn hẹn một buổi phỏng vấn qua Skype với mình.

Mình cảm thấy lo lắng nhưng cũng cực kỳ phấn khích.

Buổi phỏng vấn đầu tiên

Sau khi lên lịch hẹn phỏng vấn, chị nhân sự gửi thêm một email với gần chục câu hỏi chủ yếu về kinh nghiệm làm việc của mình, ví dụ như: dự án hiện tại và trách nhiệm chính là gì, số năm kinh nghiệm, ngôn ngữ lập trình ưa thích, danh sách các ứng dụng iOS đã từng làm, mình có quen ai ở Facebook không, v.v. Mình gửi mail trả lời hết các câu hỏi và xác nhận lại ngày giờ phỏng vấn. Đó là vào lúc 9 giờ sáng của Texas (Mỹ), là tầm 10 giờ đêm ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mình có buổi hẹn phỏng vấn gần với giờ ngủ như vậy.

Rồi ngày đó cũng đến, mình ngồi vào máy tính lúc 9 rưỡi tối, sẵn kiểm tra xem camera trước với microphone có hoạt động tốt không. Mình cố tình mặc áo sơ-mi mặc dù đang ở nhà và chuẩn bị đi ngủ. “Sắp phỏng vấn mà, cũng phải đàng hoàng tí”. Càng gần tới giờ phỏng vấn thì mình càng thấy hồi hộp hơn.

Đúng 10 giờ, mình nhận được một tin nhắn Skype từ chị và rồi cuộc gọi bắt đầu.

Chị mở đầu bằng việc giới thiệu bản thân với một giọng Mỹ đặc trưng. Chị làm bên mảng tuyển dụng và chủ yếu tập trung tuyển kỹ sư iOS cho các văn phòng của Facebook ở Mỹ như: Seattle, New York, Boston và Menlo Park. Sau đó chị trình bày về quy trình phỏng vấn dành cho ứng viên nước ngoài. Quy trình như sau:

  • Buổi phỏng vấn đầu tiên sẽ thông qua Skype với chị để hiểu hơn về quy trình tuyển dụng cũng như để tìm hiểu về kinh nghiệm làm việc của ứng viên (chính là vòng này).
  • Buổi phỏng vấn thứ hai cũng qua Skype nhưng với một kỹ sư ở trụ sở chính của Facebook. Vòng này gọi là vòng phỏng vấn kỹ thuật từ xa (technical phone screen).
  • Sau khi vượt qua vòng kỹ thuât, ứng viên sẽ được sắp xếp bay qua Mỹ để phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở chính (gọi là phỏng vấn onsite). Buổi phỏng vấn đó sẽ chiếm nguyên một ngày, bao gồm 4 vòng:
    • Phỏng vấn ứng xử và tình huống (Behavior interview).
    • Phỏng vấn về thiết kế hệ thống (System design interview).
    • Và 2 vòng phỏng vấn về giải thuật (Algorithms/coding interview).
  • Nếu mọi thứ đều trơn tru thì ứng viên sẽ được nhận offer (hợp đồng lao động).

“Có vẻ khá nhiều vòng phỏng vấn đây.”, mình nghĩ.

Sau đó mình giới thiệu bản thân và mô tả về kinh nghiệm làm việc của mình. Chị ấy hỏi thêm một số câu hỏi để đào sâu và hiểu hơn về chuyên môn của mình. Rồi chị báo với mình là chị chuẩn bị hỏi một vài câu hỏi kỹ thuật về lập trình iOS dưới dạng trắc nghiệm.

“Ok chị”, mình trả lời.

Chị đọc to câu hỏi, gửi qua Skype với 4 lựa chọn, rồi chờ phản hồi của mình. Những câu hỏi này thì chỉ xoay quanh những kiến thức lập trình iOS cơ bản nên mình trả lời được khá nhanh. Chị ấy không nói đáp án của mình là đúng hay sai, chỉ đọc câu hỏi tiếp theo liền ngay sao đó. Hai chị em đi qua tầm 7-8 câu hỏi. Rồi chị bảo mình dừng lại.

“Em trả lời đa số là chính xác, chỉ có một câu sai. Em làm tốt lắm.”, chị nói.

Mình cảm thấy nhẹ nhõm đi được một chút. Mình hỏi chị là mình sai ở câu nào, chị chỉ ra rồi giải thích cho mình. Đó là một lỗi khá ngớ ngẩn.

“Không hiểu sao mình có thể sai ở câu đó được?”, mình lẩm bẩm.

“Chúc mừng! Em đã qua được vòng đầu tiên. Giờ chị sẽ nói về bước tiếp theo.”, chị thông báo.

Chị ấy sẽ sắp xếp lịch cho mình phỏng vấn vòng hai với một kỹ sư iOS ở văn phòng Menlo Park (trụ sở chính của Facebook). Vòng đó sẽ chủ yếu về giải thuật (algorithms). Chị cũng nói trước luôn là sẽ có một sự khác biệt lớn giữa công việc hằng ngày của một kỹ sư và những thứ sẽ được hỏi trong buổi phỏng vấn giải thuật. Bởi vậy chị khuyên mình nên dành thời gian để chuẩn bị cho kỹ.

“Chị sẽ gửi cho em 3 email đề cập chi tiết tới các vòng phỏng vấn kỹ thuật ở Facebook và cách chuẩn bị sao cho tốt nhất.”, chị nói thêm.

Sau đó hai chị em nói về việc xếp lịch hẹn. Bởi vì mình muốn có thêm nhiều thời gian để ôn phỏng vấn cho nên mình nhờ chị xếp lịch vào một tháng sau, và chị đồng ý.

Tới lúc này thì 40 phút của buổi phỏng vấn đã trôi qua.

“Em có câu hỏi gì không?”, chị tò mò.

“Có. Em có nhiều câu hỏi lắm.”

Chị cười. Rồi mình bắt đầu đưa một loạt câu hỏi xoay quanh vấn đề xin visa H1B:


Hỏi: “Em sắp kết hôn nên cũng thắc mắc là cái quy trình visa H1B này có áp dụng cho vợ luôn không?”

Đáp: “Có chứ, khi nộp đơn xin visa H1B, vợ em cũng sẽ được đính kèm chung trong hồ sơ luôn. Nếu em có con thì cũng sẽ được nộp chung một lúc.”


Hỏi: “Khi nào thì quy trình H1B bắt đầu?”

Đáp: “Sau khi em chấp nhận offer, bên chị sẽ có luật sư để hỗ trợ em làm thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc xin visa. Rồi tới đầu tháng 4, chúng ta sẽ nộp hồ sơ lên.”


Hỏi: “Khi nào thì em bắt đầu qua Mỹ đi làm được?”

Đáp: “Vào ngày 1 tháng 4, hồ sơ của em sẽ được nộp lên. Rồi bên xuất nhập cảnh của Mỹ sẽ tổ chức quay “xổ số” visa trong tầm tháng 4 hoặc tháng 5. Em sẽ biết kết quả xổ số vào tháng 6 hoặc tháng 7. Nếu em may mắn thì em sẽ nhận được visa vào tháng 10, sau đó thì em có thể đặt vé máy bay qua Mỹ và bắt đầu công việc vào đầu tháng 11.”


Hỏi: “Lỡ như em trượt visa thì sao?”

Đáp: “Trong trường hợp đó thì em có 2 lựa chọn:

  1. Vẫn giữ công việc hiện tại của em như là chưa có chuyện gì xảy ra, bên chị sẽ thử xin lại visa cho em vào năm tiếp theo.
  2. Hoặc là cân nhắc chuyển sang làm việc cho văn phòng Facebook ở Luân-đôn (nước Anh). Rồi trong lúc làm việc ở Luân-đôn thì công ty cũng sẽ xin lại visa H1B cho em vào năm sau. Nếu đậu visa thì em sẽ được qua Mỹ làm. Còn không thì cứ làm ở Luân-đôn thôi.”

Hỏi: “Trong trường hợp em trượt visa và phải chuyển sang văn phòng Luân-đôn thì em có cần phỏng vấn lại không?”

Đáp: “Thường thì không. Nhưng đôi khi những người ở văn phòng Luân-đôn sẽ muốn nói chuyện qua Skype trước để tìm hiểu thêm về em.”


Hỏi: “Giả sử Facebook xin lại visa H1B cho em lần thứ hai nhưng vẫn trượt thì sao?”

Đáp: “Trong trường hợp đó thì bọn chị sẽ dừng lại, không xin visa nữa. Nếu em chọn làm việc ở Luân-đôn thì em sẽ làm việc ở Luân-đôn. Còn không thì offer sẽ trở nên mất hiệu lực. Giống như là chưa từng có chuyện gì xảy ra.”


Hỏi: “Nếu em trượt phỏng vấn của Facebook thì em có được nộp đơn phỏng vấn lại không?

Đáp: “Có chứ, nhưng em phải chờ ít nhất 6 tháng trước khi nộp đơn lại.”


“Tuyệt vời, cám ơn những câu trả lời rất chi tiết của chị. Giờ thì em đã hiểu hơn về quy trình phỏng vấn cũng như xin visa. Chắc là em cũng hết câu hỏi rồi.”, mình nói.

“Tuyệt. Chị sẽ lên lịch phỏng vấn vòng hai cho em và sẽ gửi mấy cái email hướng dẫn phỏng vấn sau. Rất vui được nói chuyện với em, Hoàng. Chúc một ngày tốt lành.”, chị trả lời.

“Em cũng rất vui được nói chuyện với chị. Cám ơn chị rất nhiều. Chúc chị một ngày vui vẻ.”, mình vẫy vẫy vào cái màn hình.

Cuộc gọi kết thúc.

“Wow, thì ra đó là một buổi phỏng vấn với Facebook.”, mình cười nhẹ. Cũng hay là mình qua được vòng đầu tiên và cũng biết được thêm khá nhiều thông tin cho bước tiếp theo. Mình cảm thấy thật phấn khởi.

Giờ thì mình có một tháng để ôn phỏng vấn cho vòng hai. “Tốt nhất là mình nên học cho chăm chỉ.”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *