Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc ở nước ngoài

,

Hôm nay, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm xin việc ở nước ngoài.

Đây là những phương pháp mà mình tin rằng sẽ hiệu quả bởi vì mình đã từng thử và nhận được nhiều buổi hẹn phỏng vấn với các công ty nước ngoài. Nó có thể không áp dụng được cho tất cả mọi người nhưng ít ra cũng là một xuất phát điểm tốt cho hành trình tìm việc của bạn.

Khó khăn ban đầu

Khi mới bắt đầu, mình đã gặp khá nhiều khó khăn:

Mình không có một profile LinkedIn đủ mạnh.
  • Ở thời điểm đó, mình chỉ liệt kê những công ty mình từng làm và trách nhiệm chính ở mỗi vị trí. Không có điểm gì nổi bật cả.
  • Mình thậm chí còn không có một bản tóm tắt profile. (Profile summary)
  • Hình avatar LinkedIn thì nhìn “ất ơ”, không chuyên nghiệp chút nào.
Kỹ năng viết tiếng Anh của mình chưa tốt.
  • Mình vẫn thường mắc lỗi ngữ pháp khi viết, đặc biệt là trên LinkedIn.
  • Những email hay tin nhắn mà mình gửi cho mấy anh chị nhân sự thì thường đọc rất là thiếu chuyên nghiệp.
Bước ra khỏi Việt Nam thì không ai biết công ty mình là gì hết.
  • Công ty hồi đó mình làm cũng khá nổi tiếng ở Việt Nam. Nhiều đứa bạn (hoặc bạn của bạn) đều biết là công ty xịn như nào. Tuy nhiên, khi bước ra đấu trường quốc tế thì hầu như không ai biết đến cả.
  • Các anh chị nhân sự ở công ty nước ngoài sẽ không có thời gian để đào sâu nghiên cứu về một công ty nội địa để tìm hiểu xem công ty đó có tốt hay không. Họ nhận được rất nhiều hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới vào hòm thư mỗi ngày. Nếu mà tên của công ty không gợi lên được chút ấn tượng nào thì họ sẽ chuyển sang đọc CV của ứng viên tiếp theo ngay.
Mình không quen biết ai ở các công ty nước ngoài.
  • Mình hoàn toàn bơi tự do. Không bạn bè, không mạng lưới, không kết nối, không gì hết luôn.

Tìm cách giải quyết vấn đề

Mình nhận ra rằng những vấn đề này cần phải được giải quyết triệt để trước khi mình nộp đơn vào các công ty.

Với vấn đề 1 & 2, mình có thể dễ dàng tìm thấy giải pháp trên Google. Nó là một chủ đề khá cơ bản: “sự chuyên nghiệp trên LinkedIn” và “văn hoá email”.

Hôm nay mình chỉ tập trung vào vấn đề 3 & 4, đó là: “Làm sao tìm được việc ở nước ngoài khi mà mình không quen biết ai và công ty mình đang làm cũng không nổi tiếng trên thế giới”.

Đầu tiên thì điều quan trọng nhất khi đi xin việc chính là: Mình nổi trội hơn so với hàng ngàn ứng viên khác ở điểm nào?. Đây không còn là cuộc cạnh tranh với người Việt Nam nữa, mà là với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.

Thử thách này khó hơn nhiều bởi vì đó chính là lúc mình phải thực sự sáng tạo. Nếu mình chỉ làm giống như số đông thì mình sẽ chỉ có kết quả tương tự như họ, đó là “không được gọi đi phỏng vấn”.

Mình phải “nghĩ khác” và “làm điều khác biệt”.

Triển khai kế hoạch

Đây là những việc mà mình đã làm:

Tìm hiểu xem các anh chị nhân sự hay lui tới chỗ nào và tìm cách tạo giá trị ở đó
  • Lúc mình đang tìm một công việc iOS ở Singapore, mình biết là các anh chị nhân sự hay có mặt trên một số Facebook group để tìm kiếm ứng viên tiềm năng. Trong trường hợp của mình thì đó là nhóm iOS Dev Scout. (Ngoài ra còn có nhiều nhóm khác cho các công nghệ khác nữa)
  • Mình đọc đa số các bài post trên Facebook group đó để tìm hiểu xem mọi người tương tác với nhau như thế nào.
  • Mình bắt đầu viết blog và chia sẻ trên đó hằng tuần.
  • Mình nhận được rất nhiều like và lời cảm ơn từ mọi người. Có người còn nhắn tin riêng cho mình để hỏi thêm về một số vấn đề kỹ thuật.
  • Sau 1-2 tháng viết liên tục, mình bắt đầu nhận được một vài lời mời đi phỏng vấn từ các công ty ở Singapore.
Đứng trên vai người khổng lồ
  • Đối với việc nộp đơn vào Facebook Mỹ thì không có một cái group cụ thể nào để tập trung vào cả. Mình phải tìm cách khác.
  • Cũng may mắn là những bài blog của mình bỗng dưng trở nên nổi tiếng trên Twitter:
    • Bài của mình được chia sẻ trên nhiều Facebook group.
    • Mình nhận được lời khen từ RayWender Lich.
    • Mình nhận được lời mời viết bài cho AppCoda.
    • Bài của mình xuất hiện trên một tờ tổng hợp blog kỹ thuật iOS hàng tuần cũng khá nổi tiếng (iOS weekly newsletter).
  • Sau đó mình viết bài cho AppCoda (bạn có thể đọc bài viết ở đây: A Beginner’s Guide to Automated UI Testing in iOS). Mặc dù AppCoda không nổi tiếng như RayWender Lich nhưng ít ra thì nó cũng là một điều gì đó đặc biệt. Không phải ứng viên nào cũng làm được điều này.
  • Rồi mình nhấn mạnh 3 điểm nổi bật chính trên CV của mình: (CV chỉ gói gọn trong 1 trang)
    • Có viết một bài kỹ thuật trên AppCoda.
    • Có viết blog hằng tuần về “iOS automated testing”.
    • Ở công ty thì mình chuyên về “iOS automated testing”, đặc biệt là test-driven-development (TDD). Đây cũng là một điểm đặc biệt bởi vì lúc đó thì không có nhiều người viết về chủ đề này, nên mình nghĩ nó cũng đóng góp không ít vào việc mình có được hẹn phỏng vấn hay không.
  • Sau đó mình nộp CV trực tiếp trên trang tuyển dụng của Facebook.

Đây chỉ là những việc mà mình đã làm và nó đã mang lại hiệu quả vượt hơn mong đợi.

Những ý tưởng khác

Ngoài ra thì cũng có rất nhiều cách khác để tạo điểm nổi bật, ví dụ:

  • Đi làm diễn giả ở buổi nói chuyện về kỹ thuật ở Việt Nam. Và phải nhớ ghi hình lại 😄
  • Xung phong đi làm diễn giả ở nước ngoài. Giả sử như khi bạn đăng ký làm diễn giả ở một buổi meetup ở Singapore, bạn có thể sẽ được mời qua chia sẻ. Còn nếu họ từ chối thì họ sẽ nói lý do cũng như những chủ đề mà họ đang quan tâm, sau đó bạn chỉ việc đáp ứng những yêu cầu này là được.
  • Tham gia vào các dự án mã nguồn mở:
    • Chủ động cống hiến và các library nổi tiếng trên GitHub. Các bạn nhớ dẫn link trong CV để thể hiện được là mình đã cống hiến cho cái library đó nhiều như thế nào.
    • Viết ra library riêng trên GitHub và chia sẻ với mọi người. Thường thì để thu hút được sự chú ý của các anh chị nhân sự thì cái library của bạn nên có ít nhất từ 100-1000 stars.
  • Nói chung là bạn phải tạo ra giá trị thực sự cho mọi người và phải tự tìm được sự công nhận bằng chính sức mình.

Trong hơn 1000 ứng viên, chưa tới 100 người sẽ dám làm những điều ở trên, những người còn lại thì chỉ gửi CV một cách quờ quạng và ngồi chờ vận may. Bởi vậy, nếu bạn làm được những điều đó, bạn sẽ trở nên khác biệt, bạn sẽ trở thành những ứng viên đầu tiên được mời đi phỏng vấn.

Chúc bạn may mắn trên hành trình tìm việc ở nước ngoài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *