Công việc mới
Vài tuần sau, mình bắt đầu qua làm việc cho công ty mới.
Công ty này mới thành lập được vài tháng. Lúc mình đến thì team có tầm 6 người (3 artist, 3 kỹ sư), mình là người thứ 7 thì phải. Văn phòng chỉ có một cái bàn dài, đủ rộng để đặt 8-10 máy tính, ngoài ra còn có bình nước lọc với một cái máy lạnh, nhìn rất là “startup”.
Công ty định hướng làm game cho thị trường Singapore với phong cách hoạt hình vui nhộn, có điểm sáng tạo chứ không làm rập khuôn theo các game khác. Lúc đó, công ty đã làm xong tựa game đầu tiên, đang chờ phát hành và đồng thời cũng đang lên ý tưởng cho game tiếp theo.
Quy trình làm việc cũng đơn giản: sáng cả team gọi điện Skype với sếp bên Sing để báo cáo tiến độ và trình bày công việc của hôm nay, trưa cả team đi ăn chung, chiều đúng giờ thì về. Làm cũng thoải mái, không bị gò bó thời gian, không có áp lực gì nhiều.
Làm startup thích ở chỗ là không có một quy trình gì cụ thể, mọi việc đều được xử lý một cách tuỳ cơ ứng biến, hoàn toàn “freestyle”, cảm giác rất tự do. Với lại team cũng nhỏ, ai cũng là thành phần chủ chốt, ai cũng được xây dựng sản phẩm từ đầu, được tự do đóng góp ý kiến cải thiện sản phẩm. Đây là một trải nghiệm mới khá thú vị đối với mình.
Phát sinh mâu thuẫn lớn
Tuy nhiên, sau khi làm vài tháng, mình bắt đầu phát hiện ra nhiều vấn đề.
Các ý tưởng game mà team đóng góp lên đều bị sếp bác bỏ.
Ý tưởng sếp đưa xuống thì không ai thấy hợp lý. Mọi người ra sức khuyên ngăn nhưng không được, rốt cuộc phải miễn cưỡng làm theo.
Cuối cùng game làm ra không ai trong team muốn chơi, không ai tự hào là mình đã từng làm game đó.
Sếp quản lý team theo kiểu “micro-management”, lúc nào cũng kè kè đi hỏi đến từng tiểu tiết, không cho nhân viên tự quyết định bất cứ điều gì.
Có lần sếp vượt quá giới hạn khi không thảo luận gì trước mà vào xoá gần hết code mình viết ngày hôm qua, rồi viết lại code mới. Xong hôm sau gọi điện báo với mình là sếp đã viết lại hết rồi, nhưng có nhiều lỗi phát sinh quá, muốn nhờ mình sửa giúp.
Nghe đến đây mình giận tím tái mặt. Sếp không những đập đổ những cái mình làm mà còn nhờ mình đi thu dọn “hậu quả” của việc đó nữa. Thật không thể tưởng tượng nổi.
Mình giận quá gọi điện nói chuyện với sếp cho ra lẽ.
Tiếp theo đó là chuỗi ngày tranh cãi nảy lửa kéo dài hơn suốt một tháng.
Cuối cùng, mình chịu hết nổi, quyết định nghỉ việc.
Mình biết những vấn đề ở trên đều có cách giải quyết. Chỉ là mình đã quá chán nản và giận dữ. Mình không muốn mất thêm nhiều thời gian để ngồi thuyết phục một người không có khả năng lãnh đạo. Tốt nhất là mình nên đi.
Rơi vào tận cùng chán nản
Sau đợt đó, mình chán nản với tất cả mọi thứ. Mình không muốn đi làm nữa, chỉ muốn trốn ở nhà chơi game, coi phim hoặc đi chơi đâu đó cho khuây khoả.
Mình cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng trong sự nghiệp.
Để tồn tại, mình nhận một số công việc lập trình freelance để sống qua ngày, chủ yếu nhờ bạn bè giới thiệu chứ mình cũng không có mối quan hệ gì bên ngoài.
Nếu mỗi ngày mình làm 2-3 tiếng ở nhà thì cũng đủ trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản hằng tháng.
Mình nghĩ cuộc sống của mình như vậy là đủ.
Làm vài tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại thì để dành cho những việc mình thích. Đời người ngắn ngủi, cớ sao phải lãng phí thời gian làm điều mình không thích. Mình đã tin như vậy.
Sau vài tháng làm freelance, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Mình vẫn giao hàng đều đặn, chất lượng cũng tương đối ổn. Mình có nhiều thời gian để đọc sách, chơi game, xem phim, tập thể dục, v.v. Quan trọng là mình có thời gian yên tĩnh để suy nghĩ.
Một hôm, mình bỗng dưng cần tiền gấp để xoay sở một số việc. Mình nhìn lại tài khoản thì thấy tiền còn chưa đủ sống tới cuối tháng chứ nói gì tới chuyện xoay sở. Mình không biết phải làm sao, đành nhờ đứa bạn ứng trước tiền freelance rồi mình làm trả từ từ sau. Bạn mình cũng thông cảm và đồng ý ngay.
Rồi tiền vào tài khoản, nhìn thấy số dư thay đổi mà mình chợt nhận ra một điều: mấy tháng nay, cuộc sống của mình đã trở nên bần hàn đến mức nào, tiền chỉ đủ lo cho một mình mình sống qua ngày, xe máy hư hỏng nhiều chỗ mà chưa có tiền sửa, quần áo cũ rách, luộm thuộm, khi cần tiền thì không có một đồng tiết kiệm. Chất lượng cuộc sống đã tụt dốc không phanh từ lúc nào mà mình không biết.
Đây là thời điểm thấp nhất trong sự nghiệp của mình.
Quyết tâm thay đổi
Lúc đó, mình và bạn gái quen nhau cũng đã lâu. Hai đứa cũng có tính tới chuyện sau này. Nhưng thiết nghĩ nếu mình không lo được cho bản thân thì sao mà lo cho gia đình.
Thời gian qua mình đã sống ích kỷ, suốt ngày chỉ nghĩ đến mình mình mình. Sống nay đây mai đó thì tự do đấy, nhưng khi có gia đình rồi thì sao? Mình có chăm lo được chu đáo cho vợ con không?
Nghĩ đến đây, mình như bừng tỉnh khỏi cơn mơ dai dẳng suốt mấy tháng qua.
Mình phải là trụ cột của gia đình.
Mình phải “thành công”.
Tìm công việc mới
Thế là mình dừng mọi dự án đang làm và bắt đầu công cuộc tìm việc trở lại. Lần này, mình tập trung nộp đơn vào các công ty nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam.
Với mỗi nơi, mình đều viết một email riêng để giới thiệu bản thân và nói về cách mà mình có thể tạo giá trị cho công ty. Mình nộp khoảng hơn 10 công ty.
Vài ngày sau, một công ty liên lạc với mình để hẹn phỏng vấn. Đó là một công ty của Úc chuyên làm gia công phần mềm và game cho thị trường bên đó. Mình đồng ý ngay.
Công ty này phỏng vấn cũng đơn giản, có 2 vòng.
Vòng đầu hỏi về các kiến thức cơ bản iOS và cách giải quyết một số vấn đề hay gặp phải khi làm việc trong team mobile.
Vòng sau thì mình được nói chuyện với một anh manager. Ảnh chủ yếu hỏi về các tình huống mâu thuẫn trong công việc xem mình ứng xử như nào. Nói chung mình trả lời cũng ok.
Sau đó đến phần thoả thuận lương.
Mình đưa ra mức giá khá cao so với mặt bằng các công ty ở Việt Nam vì mình nghĩ rằng “đã làm công ty nước ngoài thì lương cũng phải tương xứng”. Anh manager hơi sửng sốt và đắn đo một lúc rồi bảo là với mức lương này thì ảnh phải hỏi ý kiến sếp trước đã.
Rồi ảnh dẫn mình đến gặp một ông người Úc cũng khá lớn tuổi. Ổng hỏi mình (bằng tiếng Anh) tại sao lại đòi mức lương cao như vậy. Mình bảo là mình có kinh nghiệm làm cho một công ty lớn ở Việt Nam, từng làm cho nhiều đối tác ở Singapore và tiếng Anh của mình cũng tương đối ổn. Ổng cũng gật gật rồi ngồi suy nghĩ thêm một chút nữa. Xong quay qua chia sẻ với mình là thực ra mức lương này vượt quá so với budget (quỹ lương) của công ty, nhưng ổng nghĩ mình có tiềm năng nên ổng sẽ đồng ý với con số mà mình đưa ra. Rồi hai bên vui vẻ bắt tay nhau ra về.
Không ngờ mọi việc lại thuận lợi vậy.
Phỏng vấn với công ty “khủng”
Vài ngày sau, mình nhận được email hồi âm từ một công ty khác (không phải công ty mà mình vừa phỏng vấn ở trên). Lúc nộp đơn vào đó, mình không nghĩ là sẽ nhận được phản hồi bởi mình đã từng ứng tuyển một lần hồi năm 3 năm 4 đại học nhưng không được gọi.
Đó là một công ty của Mỹ chuyên xây dựng phần mềm cho các startup ở thung lũng Sillicon (San Francisco) và New York. Công ty có trụ sở kỹ sư chính ở 3 thành phố lớn ở Việt Nam: Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng. Mình vẫn còn nhớ tên công ty bởi họ có một slogan rất đặc biệt:
“Chỉ giỏi thôi thì chưa đủ, xuất sắc mới là yêu cầu tối thiểu của chúng tôi”.
Rất là ấn tượng.
Lúc này, mình đã đậu ở công ty bên Úc nên đang tính huỷ hết các buổi phỏng vấn khác. Tuy nhiên, mình vẫn tò mò muốn xem thử liệu mình có vượt qua được “yêu cầu tối thiểu” của công ty Mỹ kia hay không, mình đã luôn thắc mắc từ lúc còn là sinh viên. Thế là mình chấp nhận đi phỏng vấn thêm một lần nữa.
Buổi phỏng vấn diễn ra như sau:
Vòng 1 làm trắc nghiệm toán bằng tiếng Anh trên giấy. Mình không nhớ làm bao nhiêu câu trong thời gian bao nhiêu phút, nhưng mỗi câu chỉ có tầm 1-2 phút để tìm đáp án. Toán này có dùng một số kiến thức cơ bản hồi cấp 2-3 nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào toán IQ nhiều hơn, nghĩa là yêu cầu suy luận logic chứ không cần nhớ công thức. Mình làm được hơn 70%, còn lại thì làm không kịp giờ. Sau đó, chị nhân sự chấm bài và thông báo là mình được phép vào vòng 2.
Vòng 2 là vòng “lập trình đôi” (pair programming), nghĩa là mình và người phỏng vấn sẽ cùng ngồi vào một máy tính để giải quyết một vấn đề. Người phỏng vấn sẽ gõ bàn phím, đọc câu hỏi, mình chỉ cần trả lời cho đúng là được. Mình nhớ có khoảng 8-10 câu hỏi gì đó. Mình bị bí ở vài câu nên suy nghĩ hơi lâu, nhưng nhờ chị phỏng vấn gợi ý một xíu nên cũng giải được. Thế là qua được vòng 2, chị hỏi mức lương kỳ vọng của mình là bao nhiêu, mình nói mức giống như bên công ty Úc. Chị hơi ngạc nhiên rồi bảo mình chờ chị gọi sếp xuống nói chuyện.
Một lúc sau, anh sếp xuống và bảo mình trình bày về các dự án mobile đã làm. Rồi ảnh hỏi thêm về kinh nghiệm làm việc của mình ở các công ty trước, tiếp theo đó là một vài câu hỏi kỹ thuật, mình đều trả lời được hết. Ảnh vẫn không chắc lắm về kinh nghiệm của mình (so với mức lương yêu cầu) nên ảnh gọi thêm một bạn nữa đang làm iOS trong công ty để xuống phỏng vấn mình.
Bạn đó xem các ứng dụng/game mình làm rồi hỏi một số câu kỹ thuật đào sâu hơn, ngoài ra còn hỏi về lập trình iOS nói chung nữa, nhưng không khó lắm, mình vẫn trả lời được trơn tru.
Rồi buổi phỏng vấn kết thúc, anh sếp bảo để ảnh suy nghĩ thêm rồi báo lại mình sau. Mình chào tạm biệt mọi người rồi ra về.
Mấy hôm sau, chị nhân sự gọi báo là sếp đã đồng ý với mức lương đó và đang chuẩn bị làm hợp đồng lao động cho mình.
Mình đã reo lên vì vui sướng. Không ngờ số mình lại may mắn đến vậy.
Giờ mình có 2 lựa chọn phải cân nhắc: một công ty Úc và một công ty Mỹ. Cả hai đều trả lương như nhau. Phải chọn sao cho hợp lý đây?
Để lại một bình luận