Lúc còn ở đại học, mình mê chơi game nên hay bị trượt môn. Mỗi lần “học lại” thì rất chán, phải đi học một mình mà còn học với mấy đứa khoá sau nữa. Do đó, mình quyết tâm không trượt nữa, cố gắng học cho xong đại học, rồi muốn làm gì làm.
Thế là mình bắt đầu tập trung vào học lập trình một cách nghiêm túc.
Phỏng vấn thực tập
Vào năm ba, mình có đi xin thực tập ở một công ty làm game lớn ở Việt Nam. Công ty này nổi tiếng xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn rất khó. Cũng không biết may mắn sao mà mình lọt được vào tới vòng phỏng vấn.
Trong buổi đó, người ta hỏi “Em biết gì về công ty?”. Mình run quá, trả lời “Dạ, công ty mình chuyên cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam ạ…”. Hai anh chị phỏng vấn (một chị nhân sự, một anh kỹ sư) trố mắt ra nhìn mình, xong rồi phì cười. Mình sửa lại “Dạ, công ty chuyên làm game và cung cấp các tiện ích online như nghe nhạc, xem phim, mạng xã hội, v.v.”. Lúc này hai anh chị mới nhịn được cười và bắt đầu nghiêm túc hơn.
Sau đó anh kỹ sư hỏi mình vài câu kỹ thuật cơ bản về “stack” và “queue”. Mình loay hoay không biết trả lời sao, nói tùm lum không trúng trật gì hết, thế là “rớt”.
Công việc thực tập đầu tiên
Sang năm tư, mình ôn thêm về kiến thức nền căn bản rồi nộp đơn lại vào công ty đó. Lần này, mình phỏng vấn tốt hơn. Nhưng chờ mãi hơn một tháng mà không thấy anh nhân sự gọi báo kết quả.
Rồi một hôm, ảnh gọi báo là bữa trước mình đậu rồi, có điều cái anh phỏng vấn ghi nhầm tên người khác nên gọi nhầm người đi làm. Giờ ảnh xác nhận chính thức là mình đã đậu vào làm thực tập sinh ở công ty. Mình đã nhảy cẫng lên vì vui sướng bởi đây là công việc mà mình luôn ao ước.
Rồi vào thực tập, mình cũng được lĩnh lương đàng hoàng, mặc dù lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản nhưng mình đã rất vui vì đây là những đồng lương đầu tiên mà mình kiếm được.
Ở thời điểm đó, công ty có một chương trình đạo tạo rất bài bản. Họ dạy về nhiều kỹ năng mềm như: sơ đồ tư duy (mindmap), brainstorm, làm việc nhóm, thuyết trình, cả kỹ năng bán hàng nữa. Còn về kỹ thuật chuyên môn thì mỗi người được chọn một công nghệ, có thể làm server bằng Java, làm lập trình di động trên iOS, Android, hoặc thậm chí là cả game design. Sau đó, mọi người sẽ bắt nhóm từ 1-3 thành viên để cùng làm một dự án nhỏ trong vòng 3 tháng, rồi cuối khoá thì lên thuyết trình và phản biện. Mình chọn iOS và thể hiện khá tốt trong suốt 3 tháng này.
Sau thực tập, mình được nhận vào làm chính thức, thời gian đầu mình được giao cho làm một số dự án nhỏ về iOS và một số mini game bằng cocos2dx. Bởi vì đây là những dự án độc lập nên mình chủ yếu tự nghiên cứu, tự làm một mình, cũng không tương tác gì nhiều với đồng nghiệp xung quanh.
Sau đó, mình được chuyển sang một team lớn hơn làm sản phẩm mobile chủ đạo của công ty. Lúc này, mình mới được tiếp xúc với nhiều kỹ sư iOS khác và học thêm nhiều từ họ. Vào đây thì thấy cái gì mình cũng chưa biết, làm một tí là bị bí, phải lên mò đáp án trên google thường xuyên. Mình có tật thích làm nhanh, đọc nhanh, code nhanh, đưa qua cho QA test cũng nhanh.
Chỉ có điều là làm sai bét.
Tính năng mình làm hay bị lỗi lặt vặt và có khi sai yêu cầu. Nhiều người cũng góp ý cho mình về vấn đề này. Do đó, mình phải học cách tiết chế bản thân, phải làm điều đúng đắn, phải hiểu rõ những dòng code mình viết chứ không phải cứ nhanh là được. Đây là một bài học lớn đối với mình.
Sau vài năm làm việc, mình bớt “lanh chanh” hơn và cũng nắm vững công việc hơn. Mình hay được tin tưởng giao hẳn một tính năng lớn và hoàn thành nó với chất lượng cao.
Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp, chỉ có điều…
Mình bỗng dưng cảm thấy chán nản.
Chán việc
Mình chán vì công nghệ iOS mà team sử dụng hồi đó còn khá thô sơ và chậm phát triển. Lúc đó, sản phẩm cũng đã có cả triệu người dùng nên mọi người ngại đổi mới.
Mình chán vì không ai review code của mình. Ai cũng lo làm phần người nấy, không ai đóng góp gì cho ai.
Mình chán vì chất lượng code của dự án không được tốt lắm, sửa chỗ này thì lại phát sinh lỗi chỗ khác, không biết đường nào mà lần.
Mình chán vì phải liên tục làm thêm giờ mỗi tối và cuối tuần mà không có một lý do cụ thể nào, mọi người chưa về thì mình chưa được về thôi.
Mình chán vì ai cũng thấy được điều này những không ai phản ánh cả. Mọi người thường sợ sếp, sợ mất việc, hoặc có thể họ thích là một phần của một team lớn với một sứ mệnh lớn.
Mình chán vì mỗi ngày mình không học được thêm gì mới. Công ty cũng không có quy trình tư vấn sự nghiệp cho mỗi nhân viên.
Điều mình chán nhất đó là mọi thứ vẫn sẽ y nguyên như vậy trong tương lai, sẽ không có dấu hiệu gì thay đổi cả. Công ty vẫn sẽ ăn nên làm ra, mọi người dường như vẫn hài lòng với công việc.
Có lẽ là do mình mau chán chứ chẳng có gì cả.
Rồi mình trằn trọc suy nghĩ nhiều tuần liền. Mình quyết định rằng nếu công ty không thay đổi thì mình sẽ thay đổi. Thế là mình bắt đầu lên mạng kiếm việc khác.
Cân nhắc nhảy việc
Cũng hay vừa lúc có một đứa bạn thân rủ qua làm chung với nó trong một công ty startup của Singapore ở Việt Nam, làm về game. Lúc này, mình đang ở tận cùng của sự chán nản nên nghe tới làm game là thích lắm, đam mê trong người như cháy bỏng trở lại, rồi còn được làm chung với đứa bạn thân chí cốt nữa. Mình đồng ý ngay.
Rồi mình qua đó phỏng vấn. Bên đó thì công ty chỉ có 3-4 nhân viên với một ông sếp người Sing. Mình phỏng vấn với ông sếp bằng tiếng Anh qua Skype. Câu hỏi cũng đơn giản nên mình trả lời được hết. Xong ổng bảo là ok với mình, rồi thoả thuận lương và chốt ngày làm việc đầu tiên ngay trong buổi hôm đó luôn.
Mọi thứ diễn ra thật là chóng vánh. Bỗng chốc mình có thêm một lựa chọn nữa.
Xin nghỉ việc
Sau đó, mình suy nghĩ thêm vài hôm rồi quyết định gửi mail xin nghỉ việc cho sếp. Ảnh rất bất ngờ khi nhìn thấy mail của mình.
Ảnh gọi mình ra ngoài nói chuyện riêng, chủ yếu hỏi xem mình dự tính tương lai như nào. Mình cũng có kể cho ảnh một ít thông tin về công ty mới và mình nói lý do nghỉ việc là để “theo đuổi đam mê làm game”. Ảnh nói là sản phẩm đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nên team rất cần người để chiến đấu trong giai đoạn này, trong tương lai mọi thứ sẽ tốt hơn thôi. Mình hiểu và thông cảm cho sếp vì anh là người làm việc rất cần cù, siêng năng và đang phải gánh vác một team iOS lớn trên vai. Tuy nhiên, mình vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình.
Sau đó vài hôm thì sếp của sếp gọi mình ra nói chuyện riêng. Ảnh kể cho mình nghe về các thử thách hiện tại của công ty và cũng chia sẻ là sắp tới sẽ có những chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên nhiều hơn. Ngoài ra, ảnh cũng tư vấn thêm về nhiều hướng phát triển nghề nghiệp trong team cũng như trong công ty. Mình rất cảm kích vì ảnh đã dành thời gian nói chuyện với mình và chia sẻ những điều thật lòng này.
Nhưng thật tiếc là đến nước này mình đã đi quá xa rồi, mình đã hoàn toàn nhìn về một hướng khác chứ không còn quan tâm đến công ty nữa. Giá như mình có những buổi nói chuyện như vậy sớm hơn và thường xuyên hơn. Giá như sếp giải thích được tại sao mọi người phải làm những việc mà mọi người đang làm. Giá như sếp chịu lắng nghe. Nếu vậy thì mình đã có thể chia sẻ được những tâm sự thật lòng chứ không phải biện vào một lý do vớ vẩn là “theo đuổi đam mê”.
Và thế là mình ra đi, bỏ lại ngôi nhà đã từng nuôi nấng mình từ một cậu sinh viên loắt choắt trở thành một kỹ sư phần mềm thạo việc. Mình đã có rất nhiều kỷ niệm vui với mọi người trong công ty: những buổi team building tràn đầy năng lượng và tự hào, những buổi tiệc sinh nhật công ty quậy banh nóc, những buổi thi rung chuông vàng gay cấn, những hôm đi ăn trưa ngồi nghe radio confession mà cười khúc khích, những hôm trên đường đi làm mà thấy bạn nào có sticker công ty ở sau xe là nhận biết ngay được đồng nghiệp, những buổi làm việc cuối tuần ăn vịt quay với cả team, v.v. Mình sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp đó, những người bạn đó.
Ngày làm việc cuối cùng, mình thấy cảm xúc lâng lâng. Mình ngại nói lời chia tay với mọi người nên đúng giờ về là mình chạy ngay ra chỗ thang máy. Sếp thấy vậy chạy theo hỏi xem có tâm sự gì. Mình chỉ nói là mình ngại chia tay rồi bước luôn vào thang máy. Mình chào tạm biệt sếp lần cuối.
“Em xin lỗi sếp”, mình nói nhẩm trong đầu.
Để lại một bình luận