Con đường sự nghiệp của một kỹ sư phần mềm (phần 4)

,

Trong số những lời mời thì có 3 công ty của Singapore:

  • Công ty A: cung cấp nền tảng kết nối game thủ chơi online, làm phần mềm quản lý phòng net, và có kinh doanh thương mại điện tử.
  • Công ty B: là trang web tìm nhà trọ nổi tiếng ở Singapore.
  • Công ty C: là dịch vụ đặt xe hơi/taxi nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á.

Mình từ chối công ty A vì mình nghe nói công ty đa số là người Trung Quốc, không nói tiếng Anh nhiều, nên mình không thích lắm.

Với công ty B, họ gửi cho mình một số bài tập giải thuật (algorithms) online trên trang Codility, yêu cầu mình giải trong thời gian quy định, hình như là giải 3 bài trong vòng 1 tiếng rưỡi. Mình làm kịp giờ nhưng bị sai đáp án, chỉ được có 45/100 điểm. Thế là rớt ngay vòng gửi xe.

Phỏng vấn với dịch vụ đặt xe hơi/taxi tại Đông Nam Á

Với công ty C, vòng đầu mình được nói chuyện với một chị nhân sự người Anh. Chị trình bày về quy trình phỏng vấn như sau:

  • Vòng 1: làm quen và trắc nghiệm kiến thức iOS.
  • Vòng 2: code giải thuật online thông qua Codility.
  • Vòng 3: phỏng vấn giải thuật với một kỹ sư, thông qua Skype.
  • Vòng 4: phỏng vấn iOS với một kỹ sư, thông qua Skype.
  • Vòng 5: phỏng vấn về văn hoá & ứng xử với một manager, thông qua Skype.

Mình nhanh chóng vượt qua vòng 1 vì các câu hỏi tương đối đơn giản. Sau đó, chị nhân sự gửi cho mình một link Codility. Mình rút kinh nghiệm, ôn thêm một tuần trước khi mở link ra (mở ra thì đồng hồ sẽ bắt đầu đếm ngược). Lần này bài dễ hơn bên công ty B nên mình làm được hết, đạt điểm tuyệt đối.

Đến vòng 3, mình được một kỹ sư người Việt Nam phỏng vấn online, có điều hai đứa nói tiếng Anh với nhau. 20 phút đầu bạn đó hỏi về kiến thức iOS, sau đó thì yêu cầu mình code một bài giải thuật. Mình bị khựng lại đôi chỗ nhưng rồi cũng vượt qua được.

Sang vòng 4, lại một người Việt Nam nữa phỏng vấn. Lần này, anh đó cho mình giải 5-6 bài tập nhỏ tập trung về kiến thức iOS cơ bản và nâng cao. Mình giải được đa số mà không gặp khó khăn gì lắm. Thẳng tiến tới vòng cuối.

Ở vòng này, mình được nói chuyện với một anh người châu Âu hiện đang là trưởng phòng mobile của công ty (Head of Mobile). Ảnh chủ yếu hỏi về kinh nghiệm làm việc trước đây của mình, rồi định hướng nghề nghiệp, lý do chọn phỏng vấn vào công ty là gì, và một số câu hỏi về công nghệ mobile nói chung. Mình có cảm giác giống một buổi nói chuyện giữa hai người bạn hơn là một buổi phỏng vấn, rất nhẹ nhàng và gần gũi.

Trúng tuyển vào công ty nước ngoài

Ảnh cũng chia sẻ những thử thách mà công ty đang gặp phải, các kế hoạch mở rộng trong tương lai và mình sẽ nằm ở đâu trong bức tranh đó. Được nói chuyện với ảnh, mình như chuyển từ chế độ “để phỏng vấn xem thử công ty này như nào” sang “mình thực sự muốn làm việc ở đây”, giống như buổi này là để ảnh thuyết phục mình chứ không phải chiều ngược lại. Rồi ảnh xác nhận là mình đã đậu vào công ty.

Toàn bộ quy trình từ lúc nhận được lời mời phỏng vấn cho tới lúc ký hợp đồng mất tầm 2 tuần. Chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần đó mà bỗng nhiên mình có một cơ hội đi làm ở nước ngoài, bỗng nhiên mình có cơ hội được sống và làm việc ở Singapore. Đây là điều mà trước đây mình chưa bao giờ mơ tới.

Tiếp tục tìm kiếm cơ hội khắp thế giới

Tuy nhiên, mình không dừng lại ở đó, mình bắt đầu nhìn ra ngoài thế giới để xem có cơ hội nào tốt hơn đang chờ đón mình hay không. Mình nộp đơn vào hàng loạt công ty lớn của Mỹ, nộp trên Linkedin, nộp trên website, nộp cả ở Anh, Úc, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển nữa. Ngày nào mình cũng lên tìm kiếm rồi nộp thêm vài công ty mới.

Tính ra mình nộp cũng hơn 100 công ty trên gần 10 quốc gia. Nhưng không ai hồi âm cả.

Sau một tháng nộp hồ sơ trong vô vọng, mình may mắn nhận được lời mời phỏng vấn đầu tiên, đó là từ công ty Facebook của Mỹ. Chuyện phỏng vấn với Facebook thì mình đã ghi hết ở đây.

Ở thời điểm đó, mình đã đậu công ty C bên Sing rồi, nên khi hẹn phỏng vấn onsite với Facebook ở Sing, mình thấy mọi thứ thật thuận tiện. Mình qua Sing phỏng vấn với Facebook trước, sau đó chơi vài ngày rồi mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên bên công ty C.

Mình đã sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ cho việc đậu Facebook: mình thương lượng hợp đồng thuê nhà chỉ tới cuối tháng 10 (để vừa nhận được visa H1B là có thể trả nhà và lên đường qua Mỹ), mình cố gắng học thêm tiếng Anh, học thêm kinh nghiệm làm việc ở một công ty đa quốc gia, mình cố gắng trở thành kỹ sư có tầm ảnh hưởng nhất trong team.

Nhưng rồi, mình “rớt” Facebook.

Mọi sự chuẩn bị, mọi hy vọng, mọi ước mơ như tan thành mây khói. Mình đã buồn bã và thất vọng trong một thời gian dài.

Mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục làm việc ở Singapore.

Tuy nhiên, sau khi làm việc ở công ty C một thời gian, mình nhận ra rằng việc “rớt Facebook” là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với mình.

Bắt đầu công việc mới tại Singapore

Công ty mình làm ở Singapore là một startup chuyên cung cấp dịch vụ đặt xe hơi/taxi/xe ôm thông qua ứng dụng di động cho hơn 8 nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Công ty cũng khá nổi tiếng nên mình chỉ cần nhắc tên thôi là hầu như ai cũng biết.

Mặc dù vậy, khi mới vào làm ở công ty, mình đã luôn chuẩn bị tâm thế sẽ đi bất cứ lúc nào.

Từng ngày từng ngày, mình chờ mong kết quả phỏng vấn Facebook. Tâm trí mình lúc đó chỉ có nước Mỹ.

Do đó, mình đã lơ là rất nhiều thứ.

Team mình chỉ có 4-5 người nhưng không có teamwork gì cả, mạnh ai nấy làm, không có quy trình gì cụ thể. Mình cũng kệ, do đường nào mình cũng không ở lâu.

Chất lượng code dự án khá tệ, viết như là sinh viên mới ra trường, lỗi tùm lum không biết đường nào mà lần. Mình cũng kệ.

Vào công ty mình có tiếp xúc với nhiều bạn/anh/chị Việt Nam khác, mình phát hiện ra là lương mình đang bị thấp hơn so với thị trường. Mình cũng kệ.

Công ty hay có những buổi cho các giám đốc xuống chia sẻ tình hình kinh doanh và đường lối phát triển trong tương lai, đồng thời cũng trả lời bất cứ câu hỏi nào cuả nhân viên. Mọi người ai cũng hào hứng, chỉ có mình là không quan tâm.

Nói chung, mình chỉ làm ở mức trung mình, chỉ cần bắt kịp với tiến độ của dự án, chỉ như vậy là đủ. Mọi thứ cứ tà tà trôi qua như thế.

Cho đến khi mình biết tin “rớt Facebook”…

Mình vẫn chưa tin nổi vào kết quả đó. Mình đã kỳ vọng biết bao nhiêu!!!

Nhưng cứ nghĩ như vậy cũng chẳng giúp ích được gì, mình phải chấp nhận sự thật thôi.

Giấc mơ Mỹ đã không còn. Kế hoạch B cũng không còn.

Mọi thứ mà mình nghĩ là “tạm thời” bỗng trở nên quan trọng.

Công việc hiện tại bỗng trở nên là ưu tiên hàng đầu.

Mình như chợt tỉnh giấc khỏi cơn mơ. Mấy tháng nay, mình đã không còn là mình nữa. Mấy tháng nay, mình không làm gì ra hồn hết.

Thế là mình bắt đầu thay đổi, tập trung hết tâm trí vào công việc.

Tập trung hết mình

Mình bắt đầu đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng code của team.

Mình nắm vững quy trình làm việc (Scrum) và luôn đưa ra đề xuất để cải thiện. Mình cũng dành thời gian góp ý và giúp đỡ đồng nghiệp khi họ làm chưa đúng quy trình.

Mình để ý đến lộ trình release của ứng dụng, các vấn đề trên Appstore, các lỗi hệ thống. Mỗi khi có trục trặc, mình luôn xung phong giải quyết và giao tiếp với các bên (QA, PM, designer, …).

Mình dành thời gian review code cho tất cả mọi người trong team. Hễ có code đưa lên là mình review.

Mình bắt đầu viết test cho dự án. Từng bước từng bước, mình viết test cho tất cả các trường hợp chính của ứng dụng. Nhờ đó, mọi người yên tâm hơn khi sửa code vì biết rằng chỉ cần test không fail là okay.

Vì việc viết test là ý tưởng mình đề xuất và nó không nằm trong kế hoạch của cấp trên, cho nên ở công ty, mình không có nhiều thời gian cho nó lắm. Do đó, mình tự nguyện làm thêm các buổi tối và cuối tuần để cố hoàn thành càng nhiều test càng tốt. Có như vậy thì mọi người mới thấy được lợi ích của việc viết test.

Mình tổ chức các buổi thuyết trình để chia sẻ kiến thức trong team.

Mình tham gia các buổi họp toàn công ty để hiểu hơn về tầm ảnh hưởng của công việc đến người dùng. Mình bắt đầu thấy tự hào khi ứng dụng giúp ích được nhiều cho cuộc sống của người dân: tài xế có việc làm kiếm thêm thu nhập, hành khách thì chỉ cần bấm bấm điện thoại là vài phút sau có xe tới đón, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy màu áo của công ty.

Bước ngoặt lớn

Sau vài tháng, mình được tin tưởng hơn ở cả trong và ngoài team. Mỗi khi có vấn đề thì mọi người thường sẽ tìm tới mình đầu tiên.

Lúc này, có một sự kiện đặc biệt xảy ra, đó là: manager của team mình nghỉ việc. Bạn đó nghỉ việc để qua làm cho Facebook ở Luân-đôn. Thế là công ty phải lo tìm một manager khác để lấp vào vị trí đó.

Trong thời gian tìm kiếm, mình được giao gánh vác việc release của ứng dụng và là người giao tiếp chính trong các buổi họp với các team khác. Thực ra mình cũng đã hy vọng được chọn lên làm manager vì mình cũng muốn học cái mới, học cái gì đó ít kỹ thuật một chút, biết đâu lại thú vị.

Và rồi mình vẫn cứ làm việc chăm chỉ, team vẫn release đều đều, mọi thứ vẫn ổn.

Một hôm, sếp lớn gọi cả team vào và thông báo chính thức:

“Mình được trở thành manager”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *